Viêm quanh khớp vai là một bệnh có tổn thương phần mềm quanh khớp nhưng không có biểu hiện tổn thương tại xương và sụn khớp. Thường các thành phần hay bị viêm quanh khớp như: gân bám, cơ, màng hoạt dịch, bao khớp. Bệnh gây đau nhức và hạn chế vận động cho người bệnh, thậm chí không thể tự mặc quần áo hay chải đầu được. Nếu không điều trị triệt để bệnh có thể để lại di chứng teo cơ, cứng khớp vai, liệt vận động cánh tay.
Để điều trị cần kết hợp dùng thuốc với các phương pháp tập vận động khớp vai và cánh tay. Trong đó các động tác vận động đóng vai trò rất quan trọng giúp cho phục hồi khớp vai, tránh biến chứng. Người bệnh có thể tập luyện dưới sự hướng dẫn của các bác sỹ, kỹ thuật viên, đồng thời có thể tự tập các động tác chủ động. Sau đây là 5 động tác dưỡng sinh đơn giản giúp phục hồi vận động khớp vai rất tốt, người bệnh có thể tham khảo để tập khi ở nhà.
1. Động tác 1: Xem xa, xem gần
Động tác 1
Chuẩn bị: Ngồi hoa sen, có thể ngồi sen kép (hai bàn chân để lên hai đùi), hoặc sen đơn (một chân để trên đùi chân kia), hai bàn tay đan vào nhau và để trước bụng dưới, mắt nhìn vào ngón tay, lòng bàn tay hướng lên.
Thực hiện: Hít vào tối đa, giữ hơi từ từ đưa hai tay lên trời mắt nhìn vào một điểm cố định của bàn tay, đồng thời dao động thân qua lại từ 2-6 cái, thở ra triệt để, từ từ hạ tay xuống, mắt vẫn nhìn theo tay. Làm như vậy 3 - 6 lần
Tác dụng: Luyện mắt và các khớp chi trên, tập vùng lưng trên, kéo giãn các cơ, mở rộng khớp vai.
2. Động tác 2: Để tay sau gáy
Động tác 2
Chuẩn bị: Ngồi hoa sen. Hai bàn tay đan vào nhau để sau gáy, hai khuỷu tay bật ra sau, lưng thẳng.
Thực hiện: Hít vào tối đa, giữ hơi, từ từ mở rộng khuỷu ra sau, đồng thời dao động thân trước sau từ 2-6 cái, thở ra triệt để, lặp lại từ 3-6 lần.
Tác dụng: tập khớp vai, khớp khuỷu, khối cơ vùng bả vai.
3. Động tác 3: Chào mặt trời
Động tác 3
Chuẩn bị: Ngồi, một chân co, chân kia duỗi thẳng ra phía sau, hai tay chống xuống đất.
Thực hiện: Hít sâu, đưa hai tay lên trời, thân ưỡn ra sau tối đa, giữ hơi, dao động thân trên và đầu theo chiều trước sau từ 2 - 6 cái, trở về vị trí ban đầu, thở ra tối đa thuận chiều có ép bụng. Lặp lại 3- 6 lần.
Tác dụng: Giãn cơ, giải phóng chèn ép thần kinh, mở rộng tầm hoạt động của khớp vai.
4. Động tác 4: Quỳ gối thẳng, nắm gót chân
Động tác 4
Chuẩn bị: Ngồi trên gót chân, hai tay nắm vào hai gót chân, ngón tay cái hướng lên trên.
Thực hiện: Hít sâu tối đa,từ từ nâng người lên, tay vẫn nắm gót chân, cố gắng ưỡn ngực, bụng lên cao, giữ hơi, dao động thân người lên xuống 2 – 6 cái, từ từ trở về tư thế ban đầu, thở ra triệt để. Lặp lại 3 - 6 lần.
Tác dụng: tập động tác duỗi khớp vai.
5. Động tác 5: Sư tử
Động tác 5
Chuẩn bị: Ngồi trên hai chân, bàn chân duỗi, hai bàn chân sát giường, hai tay vươn ra phía trước, trán chạm giường.
Thực hiện: Hít sâu tối đa, từ từ ngẩng đầu lên, mắt nhìn thẳng, giữ hơi, đồng thời dao động vai qua lại 2-6 cái, thở ra triệt để. Lặp lại 3-6 lần.
Tác dụng: Tập động tác dạng khớp vai.
Lưu ý: Những thông tin trên mang tính chất
tham khảo, để việc điều trị bệnh của bạn có hiệu quả cao nhất bạn nên tham khảo
ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng!
Để được tư vấn về sức khỏe tổng quát, sức
khỏe về bệnh, và cách phòng tránh xin vui lòng liên hệ:
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN
Lương Y: Nguyễn Thị Hường
Điện thoại: 0936 009 783 – 0973 084 256
Địa chỉ: Huyện Mỹ Đức – Hà Nội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét